Sinh thiết tuyến tiền liệt là gì? Có đau không?
Các nội dung chính[Ẩn]
- Sinh thiết tuyến tiền liệt là gì?
- Chuẩn bị trước khi sinh thiết
- Sinh thiết tiền liệt tuyến có đau không?
- Rủi ro sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt
- Nhận kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt
Nhiều người cảm thấy vô cùng hoang mang và lo lắng khi lần đầu tiên nghe về vấn đề sinh thiết tuyến tiền liệt, đặc biệt là những bệnh nhân chuẩn bị tiến hành thủ thuật này. Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Quầy Thuốc Hòa Phượng để hiểu hơn về sinh thiết tuyến tiền liệt và các vấn đề liên quan.
Sinh thiết tuyến tiền liệt là gì?
Sinh thiết tuyến tiền liệt là kĩ thuật sử dụng kim sinh thiết để lấy ra các mẫu mô hoặc tế bào, sau đó đem phân tích dưới kính hiển vi nhằm phát hiện các tế bào ung thư. Việc này được thực hiện khi kết quả thăm khám lâm sàng hoặc xét nghiệm có vấn đề, cụ thể:
- Thăm khám trực tràng bằng ngón tay có dấu hiệu bất thường hoặc khối u.
- Xét nghiệm nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) có kết quả ở mức cao hơn so với bình thường.
- Hình ảnh siêu âm và các phương pháp chuẩn đoán khác như cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính,... nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt
- Lần sinh thiết trước đó có kết quả bình thường, nhưng chỉ số PSA vẫn tiếp tục tăng hoặc phát hiện các mô bất thường.
Sinh thiết tuyến tiền liệt là thủ thuật quan trọng để chuẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Lợi ích của việc sinh thiết tuyến tiền liệt:
- Phương pháp hiệu quả nhất để xác định xem bệnh nhân có bị ung thư hay không và mức độ xâm lấn của ung thư.
- Sớm phát hiện ung thư giai đoạn đầu, tăng khả năng điều trị và ngăn ung thư lây lan.
- Nếu bạn bị ung thư, sinh thiết tuyền tiền liệt có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Chuẩn bị trước khi sinh thiết
Trước khi tiến hành sinh thiết tuyến tiền liệt, bác sĩ tiết niệu có thể yêu cầu:
- Cung cấp mẫu nước tiểu, xem bệnh nhân có nhiễm trùng niệu hay không. Nếu có thì sinh thiết tuyến tiền liệt sẽ được tạm hoãn cho tới khi nhiễm trùng tiết niệu được điều trị khỏi.
- Ngừng dùng thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu như aspirin, ibuprofen, warfarin và một số chất bổ sung thảo dược trước vài ngày làm thủ thuật.
- Thực hiện thụt tháo trực tràng tại nhà trước khi sinh thiết.
- Dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ trước khi tiến hành thủ thuật để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Sinh thiết tiền liệt tuyến có đau không?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy tìm hiểu về quy trình sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng, đây là phương pháp thường được sử dụng phổ biến. Một số kỹ thuật khác ít gặp hơn là lấy mẫu qua niệu đạo hoặc tầng sinh môn.
- Bệnh nhân cởi bỏ quần áo và mặc áo choàng bệnh viện, sau đó nằm nghiêng người, co đầu gối
- Nhân viên y tế sẽ tiến hành làm sạch khu vực cần lấy mẫu và tiến hành gây tê.
- Tiếp đến bác sĩ sẽ đặt một đầu dò siêu âm nhỏ vào trực tràng.
- Dưới sự hướng dẫn của siêu âm đầu dò, kim sẽ được đưa xuyên qua thành trực tràng vào tuyến tiền liệt. Bạn có thể cảm thấy khó chịu hoặc áp lực khi kim vào tuyến tiền liệt.
- Kim sẽ được đưa vào nhiều lần để lấy mẫu mô từ các vị trí khác nhau. Có nhiều cách lấy mẫu, bắt đầu từ 6 tăng lên 10, 12, 14, thậm chí đến 20, 24 mẫu. Thông thường lấy từ 10 đến 12 mẫu và thời gian tiến hành mất khoảng 20 đến 30 phút.
- Sau khi lấy mẫu xong, mẫu sẽ gửi đến phòng thí nghiệm kiểm tra.
Hầu hết nam giới không thấy sinh thiết tuyến tiền liệt quá đau hoặc khó chịu. Mặc dù quy trình này nghe có vẻ đau đớn, nhưng các thủ thuật khi tiêm tiến hành rất nhanh. Bên cạnh đó, khu vực làm sinh thiết được gây tê cục bộ và khi thuốc tê có tác dụng thì sẽ không còn cảm giác hay khó chịu.
Rủi ro sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt
Sinh thiết tuyến tiền liệt là một kỹ thuật xâm lấn, có thể gây ra một số rủi ro như:
- Bầm tím hoặc sưng đau tại vị trí sinh thiết, bệnh nhân uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ
- Có thể có máu trong nước tiểu hoặc phân trong vài ngày sau sinh thiết, tình trạng này khá phổ biến.
- Máu cũng có thể xuất hiện khi xuất tinh trong vài tuần đầu sau sinh thiết, điều này cũng là bình thường.
Một số trường hợp bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ để theo dõi và điều trị kịp thời:
- Chảy máu nhiều và kéo dài.
- Đau bụng hoặc đau ở vùng chậu.
- Đi tiểu khó, đau khi đi tiểu.
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Nước tiểu có mùi hoặc nóng rát khi đi tiểu (có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng).
Nhận kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt
Thời gian trả kết quả tùy thuộc vào từng bệnh viện, trong khoảng 5-7 ngày làm việc. Bác sĩ sẽ gửi cho bạn một báo cáo kết quả giải phẫu bệnh và giải thích những phát hiện của nhà nghiên cứu bệnh học cho bạn.
Báo cáo bệnh lý có thể bao gồm mô tả về mẫu sinh thiết, mô tả về các tế bào, phân loại ung thư và chuẩn đoán của nhà nghiên cứu bệnh học.
Trong ngày trả kết quả, bạn nên đi cùng người thân hoặc bạn bè, vì nếu tế bào ung thư được phát hiện có thể gây cho bạn một cú sốc lớn.
Hiện nay, ung thư tuyến tiền liệt là một căn bệnh khá phổ biến ở nam giới, để giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, điều cần thiết cần làm là xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế hút thuốc. Đồng thời, tuân thủ theo các hướng dẫn sàng lọc được khuyến nghị để sớm phát hiện bệnh.