Chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và nuôi con bú
Mang thai và sinh con là sự mong chờ, niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, để mỗi em bé sinh ra đều khỏe mạnh, ngoài việc thực hiện tốt các chăm sóc y tế khác thì chăm sóc dinh dưỡng là một việc hết sức quan trọng.
Khi có thai, nuôi con bú, nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng đòi hỏi nhiều hơn mức bình thường vì không những cần thiết để đảm bảo cung cấp cho các hoạt động của cơ thể người mẹ mà còn cần cho sự phát triển của thai nhi và tạo sữa cho con bú. Việc ăn uống của người mẹ trong thời kỳ có thai là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của bào thai, sự tạo sữa trong thời kỳ cho con bú và sự lớn lên của trẻ sau khi được sinh ra, vì vậy người mẹ nên ăn uống khoa học để con mình luôn được khỏe mạnh và thông minh.
Tăng thêm năng lượng
Nhu cầu năng lượng của bà mẹ có thai 6 tháng cuối là 2550 Kcal/ngày, tăng thêm hơn người bình thường là 350 Kcal. Ðể đạt được mức tăng này, người mẹ cần ăn thêm 1 đến 2 bát cơm. Bà mẹ nuôi con bú 6 tháng đầu, năng lượng cần đạt 2750 Kcal/ngày, tức là tương đương với 3 bát cơm.
Bổ sung chất đạm và chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể cho trẻ
Khi mang thai, người mẹ cần nhiều chất đạm hơn để giúp cho việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ, nhu cầu chất đạm cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai 3 tháng cuối là 70g/ngày, đối với bà mẹ cho con bú là 83g/ngày, chất đạm và chất béo vừa giúp tăng năng lượng vừa giúp hấp thu tốt các vitamin A, D, E…
Những thức ăn cung cấp chất đạm và chất béo có nguồn gốc từ thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng lạc… và có nguồn gốc từ động vật như tôm, cua, cá, ốc, thịt, trứng, sữa...
Bổ sung vitamin, chất khoáng và các yếu tố vi lượng
Khi có thai cũng như nuôi con bú, với khẩu phần ăn cân đối sẽ đảm bảo cung cấp vitamin, chất khoáng và các yếu tố vi lượng. Vì vậy, người mẹ nên ăn các loại thức ăn có nhiều vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch như các loại rau củ quả; các loại thức ăn có nhiều canxi, phốt pho giúp cho sự tạo xương của thai nhi (cá, cua, tôm, sữa...); các thức ăn có nhiều sắt để đề phòng thiếu máu (thịt, trứng, đậu đỗ…). Khi cho con bú, đề phòng bệnh khô mắt do thiếu vitamin A, người mẹ nên ăn các thức ăn có nhiều đạm và vitamin A (trứng, sữa, cá, thịt, đậu đỗ, và các loại rau: rau muống, rau ngót, rau dền, đu đủ, gấc, xoài...). Ngoài ra, trong vòng một tháng đầu sau khi sinh người mẹ nên uống một liều vitamin A 200.000 đơn vị để đủ vitamin A trong sữa cho con bú 6 tháng đầu.
Phòng, chống thiếu máu dinh dưỡng khi có thai
Thiếu máu là bệnh dinh dưỡng hay gặp ở phụ nữ có thai, đặc biệt là ở những người đẻ dày và ăn uống thiếu thốn. Thiếu máu có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cả mẹ lẫn con, làm cho cơ thể người mẹ mệt mỏi, chóng mặt, khó thở khi gắng sức, khi đẻ có nhiều nguy cơ; thiếu máu thường gây tình trạng đẻ non và trẻ chết yểu. Để phòng, chống thiếu máu cho bà mẹ có thai và nuôi con bú, ngay từ khi bắt đầu có thai, tất cả các bà mẹ nên uống viên sắt, với loại viên có hàm lượng 60mg sắt nguyên tố, ngày uống một viên, uống liên tục trong suốt thời kỳ có thai đến một tháng sau khi sinh.
Ngoài ra cũng cần chú ý không dùng các loại chất kích thích như rượu, cà phê, nước chè đặc, thuốc lá...; giảm ăn các loại gia vị gây kích thích như ớt, hạt tiêu, dấm, tỏi. Nên ăn nhạt bớt muối, nhất là các bà mẹ bị phù thận, để giảm phù và tránh biến cố khi mang thai và sinh đẻ; tránh dùng kháng sinh có thể gây hại cho trẻ như Tetraxyclin làm hỏng răng, Streptomyxin gây ù tai, nghễnh ngãng...
Như vậy, để chăm sóc dinh dưỡng tốt cho bà mẹ mang thai và nuôi con bú, khi mang thai chị em cần ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn các món dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ, tăng cường rau xanh, quả chín, các loại đậu, sữa; kiêng các chất cay, nóng, rượu, cà phê, mỡ động vật, các món quay rán, cần nghỉ ngơi hợp lý, thoải mái về tinh thần, tránh lo sợ, buồn bực. Nếu bị nôn quá nhiều khiến cơ thể gầy sút, mất nước và rối loạn điện giải…, cần phải đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc hợp lý.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cham-soc-dinh-duong-cho-ba-me-mang-thai-va-nuoi-con-bu-1349584.htm