10 loại thảo dược tốt cho phì đại tiền liệt tuyến
Các nội dung chính[Ẩn]
- 1. Dầu cọ lùn (Saw palmetto)
- 2. Hạt bí ngô (Pumpkin Seeds)
- 3. Náng hoa trắng (Crinum asiaticum)
- 4. Rễ tầm ma (Urtica dioica)
- 5. Trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium)
- 6. Anh đào Châu phi (Pygeum africanum)
- 7. Rễ cây bồ quân (Flacourtia jangomas)
- 8. Cây liễu gai lá nhỏ (Epilobium parviflorum)
- 9. Cây cứt lợn (Ageratum conyzoides)
- 10. Hoàn Ngọc (Pseuderanthemum latifolium)
Phì đại tuyến tiền liệt xảy ra do sự tăng sinh quá mức của các tế bào tuyến tiền liệt, gây áp lực lên đường niệu và hạn chế dòng nước tiểu từ bàng quang. Có nhiều phương pháp điều trị các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt, một trong các phương pháp được khá nhiều người quan tâm là sử dụng các loại thảo dược tự nhiên.
Để hiểu rõ hơn về các loại thảo dược tốt cho phì đại tuyến tiền liệt, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Quầy Thuốc Hòa Phượng
1. Dầu cọ lùn (Saw palmetto)
Dầu cọ lùn được người Mỹ sử dụng nhiều trong việc tăng cường sinh lý, cải thiện giấc ngủ, ngăn rụng tóc và các vấn liên quan đến tiết niệu, trong đó có bệnh phì đại tiền liệt tuyến.
Tại châu Âu, dịch chiết dầu cọ lùn chuẩn hóa được sử dụng để điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Các nhà nghiên cứu cho rằng dịch chiết dầu cọ lùn có thể ảnh hưởng đến mức testosteron của cơ thể và giảm lượng enzyme thúc đẩy sự phát triển của tế bào tuyến tiền liệt.
Saw palmetto là thảo dược hàng đầu trong hỗ trợ phì đại tuyến tiền liệt
Trong dầu cọ lùn có chứa β-sitosterol, hoạt động như một chất ức chế 5-alpha-reductase, nó ngăn không cho testosterone chuyển thành dihydrotestosterone. Điều này rất quan trọng vì dihydrotestosterone là một dạng testosterone kích thích mạnh, có thể gây phì đại tuyến tiền liệt hoặc ung thư khi ở mức quá cao.
2. Hạt bí ngô (Pumpkin Seeds)
Hạt bí ngô và dầu hạt bí ngô cũng được sử dụng khá phổ biến cho bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Hạt bí ngô chứa nhiều chất dinh dưỡng như phytosterol, axit béo thiết yếu (EPA), kẽm,... đã được chứng minh có tác dụng hỗ trợ sức khỏe tuyến tiền liệt.
Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2017 trên 65 nam giới mắc phì đại tuyến tiền liệt, kết quả sau 12 tuần bổ sung chiết xuất dầu hạt bí ngô, các triệu chứng của họ (đặc biệt là tiểu đêm) và chất lượng cuộc sống được cải thiện. [1]
Đối với người bị phì đại tuyến tiền liệt, có thể sử dụng hạt bí ngô như một món ăn nhẹ. Hoặc pha nước uống bằng cách chuẩn bị 50g hạt bí đỏ, rửa sạch để ráo nước. Ngâm hạt với 1 lít nước sôi, sau đó mang hạt đi xay.
3. Náng hoa trắng (Crinum asiaticum)
Náng hoa trắng có thành phần hoạt chất chính là các hợp chất alkaloid, thường được ứng dụng trong việc hỗ trợ điều trị đại tuyến tiền liệt bởi khả năng ức chế 5-α-reductase, ngăn testosterone chuyển thành dihydrotestosterone. Giúp giảm kích thước tuyến tiền liệt và cải thiện triệu chứng tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu đêm hoặc tiểu không hết.
Cách dùng:
- Chuẩn bị 6g lá náng hoa trắng, 40g cây xạ đen, 10g ké đậu ngựa
- Các vị thuốc đem rửa sạch rồi sắc với 1 lít nước uống trong ngày.
- Dùng liên tục trong khoảng 1 tháng.
Lưu ý, không dùng quá 10g náng hoa trắng mỗi ngày. Nếu sử dụng quá liều hoặc sai cách có thể gây ra một số phản ứng phụ như nôn ói, đau bụng, nhịp thở không đều, mạch nhanh, tăng thân nhiệt.
4. Rễ tầm ma (Urtica dioica)
Cây tầm ma hay gọi là cây lá gai, trong dân gian thường được sử dụng làm bánh gai, bánh ít. Trong rễ và lá của cây tầm ma có nhiều hoạt chất giúp làm giảm các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt như phytosterol, ligna, polysaccarit. Hiệu quả tăng lên khi phối hợp các thảo mộc khác, ví dụ như cây cọ lùn.
Tầm ma được coi là an toàn khi sử dụng theo chỉ dẫn, có thể gây ra các tác dụng phụ như khó chịu nhẹ ở dạ dày, ra mồ hôi, tiêu chảy, phát ban.
Rễ cây tầm ma có tác dụng hỗ trợ giảm tiểu đêm, tiểu nhiều lần
5. Trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium)
Trinh nữ hoàng cung được sử dụng rộng rãi trong y học, vì khả năng chống ung thư, kích thích miễn dịch, giảm đau, kháng khuẩn. Trinh nữ hoàng cung đã được nghiên cứu thử nghiệm trên các khối u xơ tiền liệt, kết quả cho thấy các khối u bị ức chế tăng sinh. [2]
Đối với phì đại tuyến tiền liệt, trinh nữ hoàng cung có tác dụng hỗ trợ giảm kích thước và các triệu chứng của bệnh.
Cách dùng:
- Chuẩn bị 20g trinh nữ hoàng cung khô đã rửa sạch và 2 bát nước con.
- Sắc bằng lửa nhỏ cho đến khi cạn còn một nửa thì dừng, sau đó chia làm 3 lần uống, dùng sau bữa ăn.
6. Anh đào Châu phi (Pygeum africanum)
Anh đào châu phi hay cây mận châu phi được dùng phổ biến ở Châu Âu trong việc hỗ trợ bệnh phì đại tuyến tiền liệt, giảm các triệu chứng tiết niệu như lượng nước tiểu thấp, không có khả năng làm trống hoàn toàn bàng quang khi đi tiểu.
Cụ thể, một thử nghiệm mù đôi được thực hiện để đánh giá hiệu quả của chiết xuất Pygeum africanum trong điều trị rối loạn tiểu tiện do tăng sản tuyến tiền liệt trên 263 bệnh nhân tại 8 trung tâm ở Đức, Pháp và Áo. Kết quả đánh giá: Điều trị bằng chiết xuất Pygeum africanum dẫn đến các cải thiện lâm sàng rõ rệt về rối loạn tiểu tiện. [3]
Vì vậy, các chế phẩm được được bào chế từ Pygeum africanum có thể là lựa chọn hữu ích cho nam giới.
7. Rễ cây bồ quân (Flacourtia jangomas)
Trong dân gian, cây bồ quân được dùng đẻ chữa các bệnh như viêm khớp, gút, rễ cây chữa tiểu buốt, tiểu rắt và phì đại tuyến tiền liệt. Nghiên cứu và thử nghiệm của các bác sỹ Đại học Y Thái Nguyên đã chứng minh tác dụng của rễ cây bồ quân trong việc giảm các triệu chứng khó tiểu, tiểu không hết trên bệnh nhân u xơ tuyến tiền liệt.
Cách dùng theo kinh nghiệm dân gian:
Chuẩn bị 40g rễ cây bồ quân và 3 bát nước. Đun cạn còn 1 bát, uống trong ngày. Sắc uống liên tục khoảng từ 3 đến 5 ngày.
Cây bồ quân hay còn gọi cây hồng quân sau khi được đào về sẽ rửa sạch, đem thái mỏng và phơi khô
8. Cây liễu gai lá nhỏ (Epilobium parviflorum)
Cây liễu thảo lá nhỏ thường được trồng ở châu Âu, thường được các bác sĩ ở Đức và Áo kê cho sức khỏe tuyến tiền liệt. Nó có tác dụng lợi tiểu, có hoạt tính chống viêm, chống oxy hóa cao. Cây liễu thảo lá nhỏ chứa β-sitosterol, tác dụng đã được đề cập trên phần nội dung của cây cọ lùn.
Trên thị trường, cây liễu thảo lá nhỏ được bán dạng trà thảo mộc, được đóng gói và nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu. Trà liễu còn giúp ích cho những bệnh nhân đã phẫu thuật tuyến tiền liệt để loại bỏ cảm giác nóng rát và các vấn đề khác xảy ra trong giai đoạn hậu phẫu.
9. Cây cứt lợn (Ageratum conyzoides)
Cây cứt lợn hay còn được gọi là cây cỏ hôi, có thể bắt gặp ở nhiều nơi, thậm chí bên vệ đường, mùa nào cũng có. Từ xa xưa, loại cây này đã được ứng dụng trong việc điều trị vết thương, vết bỏng, viêm khớp,...
Trong thành phần hóa học của cây cứt lợn có chứa sterol, flavoinoid, coumarin, lignans giúp duy trì sức khỏe tuyến tiền liệt và giải quyết các vấn đề liên quan đến đường niệu.
Tại Mỹ, các nhà khoa học đã nghiên cứu và chiết xuất Ageratum conyzoides với hàm lượng β-sitosterol cao. Sau đó được Đại học Sydney Úc nghiên cứu lâm sàng trên những bệnh nhân mắc phì đại tiền liệt tuyến, kết quả cho thấy chiết xuất có tác dụng giảm kích thước của tuyến tiền liệt và giảm số lần đi tiểu.
10. Hoàn Ngọc (Pseuderanthemum latifolium)
Hoàn Ngọc chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe như flavonoid, sterol, saponin,… có tác dụng kháng khuẩn, khử khuẩn, ngăn chặn các gốc tự do. Trong y học cổ truyền thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý như viêm nhiễm đường tiêu hóa, viêm gan, viêm thận, loét dạ dày và nhiều bệnh lý khác.
Cách dùng cho bệnh tiền liệt tuyến: Chuẩn bị 1 nắm lá Hoàn ngọc đã rửa sạch và 300ml nước lọc. Xay nhuyễn, chia làm 3 lần uống trước bữa ăn, dùng liên tục trong 1 tháng để đạt hiệu quả.
Sử dụng các loại thảo dược tự nhiên là một cách tiếp cận lâu dài để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo các vấn đề về sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi sử dụng. Nếu gặp phải các biểu hiện bất thường, tốt nhất hãy ngừng sử dụng và đến cơ sở y tế kiểm tra.
Hiện nay, kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại, đa phần chiết xuất dược liệu được bào chế dưới dạng các viên uống thay vì sử dụng trực tiếp. Thuận tiện cho việc sử dụng và không tốn quá nhiều thời gian cho việc sắc, hãm. Bên cạnh đó, dịch chiết dược liệu được chuẩn hóa, loại bỏ các tạp chất, được kiểm nghiệm nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Nguồn tham khảo:
[1] Leibbrand M, Siefer S, Schön C, Perrinjaquet-Moccetti T, Kompek A, Csernich A, Bucar F, Kreuter MH. Effects of an Oil-Free Hydroethanolic Pumpkin Seed Extract on Symptom Frequency and Severity in Men with Benign Prostatic Hyperplasia: A Pilot Study in Humans. J Med Food. 2019 Jun;22(6):551-559. doi: 10.1089/jmf.2018.0106. Epub 2019 Apr 24. PMID: 31017505; PMCID: PMC6590724.
[2] Jenny M, Wondrak A, Zvetkova E, Tram NT, Phi PT, Schennach H, Culig Z, Ueberall F, Fuchs D. Crinum latifolium leave extracts suppress immune activation cascades in peripheral blood mononuclear cells and proliferation of prostate tumor cells. Sci Pharm. 2011 Apr-Jun;79(2):323-35. doi: 10.3797/scipharm.1011-13. Epub 2011 Apr 5. PMID: 21773069; PMCID: PMC3134856.
[3] Barlet A, Albrecht J, Aubert A, Fischer M, Grof F, Grothuesmann HG, Masson JC, Mazeman E, Mermon R, Reichelt H, et al. Wirksamkeit eines Extraktes aus Pygeum africanum in der medikamentösen Therapie von Miktionsstörungen infolge einer benignen Prostatahyperplasie: Bewertung objektiver und subjektiver Parameter. Eine placebokontrollierte doppelblinde Multizenterstudie [Efficacy of Pygeum africanum extract in the medical therapy of urination disorders due to benign prostatic hyperplasia: evaluation of objective and subjective parameters. A placebo-controlled double-blind multicenter study]. Wien Klin Wochenschr. 1990 Nov 23;102(22):667-73. German. PMID: 1702916.